Nếu như trà là văn hóa thì việc pha trà và uống trà được xem như một môn nghệ thuật. Pha một bình trà ấm áp lan tỏa hương thơm xung quanh bầu bạn bên cạnh khiến cho ta cảm thấy được duyên phận cuộc đời trở nên ý vị và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Đã từ rất lâu trà với con người được xem như người bạn thân thiết, có một mối duyên phận vô hình mà sâu xa. Một tách trà tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng trong đó cả một tinh hoa văn hóa và để tạo ra được một ly trà ngon thì lại mất cả một quá trình dài từ khâu chế biến tới khi pha trà. Thưởng thức một tách trà ngon trong không gian yên tĩnh, bên cạnh là tiếng chim hót, xung quanh là âm thanh của lá cây thì còn gì tuyệt vời hơn. Gạt bỏ hết những bộn bề, áp lực cuộc sống, thưởng thức một ly trà giúp con người có một tinh thần thư thái thoải mái hơn rất nhiều. Vậy công dụng của trà là gì? Uống trà và pha trà như thế nào cho đúng? Cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về nghệ thưởng trà - thú vui tao nhã của người Á Đông nhé!

I. Công dụng của trà

Công dụng của trà

Công dụng của trà

Theo Eat This, Not That, việc uống trà mang lại một số lợi ích tuyệt vời như:

  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: Trong nước trà có chứa nhiều chất chống oxy hóa từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ và thậm chí là ung thư.
  • Giảm stress: Theo chuyên gia dinh dưỡng tại Balance One Supp Supplement trong trà có chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật hoạt động trong cơ thể giúp giảm và đảo ngược căng thẳng do oxy hóa. Và hiện nay trà xanh đang là loại trà đứng đầu trong việc giúp giảm stress hiệu quả. Tuy nhiên trong trà xanh cũng có chứa nhiều caffein nên điều đó có thể khiến bạn bị mất ngủ và stress nặng hơn nếu uống quá thường xuyên hay uống quá nhiều.
  • Giúp giảm cân: Theo nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc uống trà buổi sáng, trước mỗi bữa ăn trưa sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ công cuộc giảm cân của bạn. Bởi catechin, các chất chống oxy hóa có trong trà sẽ giúp làm giảm mỡ bụng.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Trong trà đặc biệt là trà đen có thể làm giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
  • Giúp giảm viêm hiệu quả: Theo chuyên gia dinh dưỡng của Oregon, việc uống một tách trà mỗi ngày có tác dụng vô cùng hiệu quả trong việc giảm viêm nhờ các chất chống oxy hóa có trong hầu hết các loại trà.
  • Giúp xương chắc khỏe: Uống trà hàng ngày cũng giúp kích thích sự hình thành cũng như phát triển của xương.

Xem thêm: Cà phê đen là gì? Tác dụng tuyệt vời của cà phê đen trong việc giảm cân

II. Uống trà thay cho nước có tốt không?

Có rất nhiều công dụng của trà và việc uống trà mỗi ngày cũng rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên nếu quá lạm dụng, uống quá nhiều mỗi ngày thì điều này sẽ phản tác dụng. Bên cạnh thành phần có lợi polyphenol (chất chống oxy hóa) thì trong lá trà cũng có một hàm lượng đáng kể caffeine và axit oxalic. Vì vậy nếu dùng quá nhiều trà vào buổi tối sẽ gây ra tình trạng thao thức, khó ngủ, cơ thể mệt mỏi. Thêm nữa, việc uống trà quá mức trong khoảng một thời gian dài cũng có thể khiến axit oxalic không hấp thụ kịp, từ đó gây mất cân bằng trong cơ thể, hình thành sỏi, phá hủy các mô tế bào và gây viêm nhiễm. Vì thế mà không nên uống trà thay cho nước. Nên uống một lượng trà vừa phải để quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra tốt nhất.

III. Sử dụng trà đúng cách như thế nào?

Trà không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống, một thú vui tao nhã mà nó còn được coi là một loại dược liệu, chính vì thế nó cũng sẽ có chứa những thành phần, dược tính nhất định. Tuy nhiên để trà có thể phát huy được hết những công dụng cũng như lợi ích của nó thì trong khi thưởng thức trà bạn cần lưu ý một số điều như:

  • Thời gian uống trà: Thời gian uống trà cần được cân nhắc để giúp mang lại lợi ích cho sức khỏe, tránh phản tác dụng khi sử dụng trà. Theo đó, bạn nên uống trà vào buổi sáng sau bữa ăn khoảng 30 phút – 1 tiếng đồng hồ.
  • Không nên uống quá nhiều: Theo lời khuyên từ các bác sĩ, chỉ nên uống 1-2 ly trà xanh mỗi ngày là đủ. Nếu uống trà quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ…
  • Không uống trà với thuốc: Nếu bạn đang uống trà thì không nên uống cùng với bất kỳ loại thuốc nào. Bởi các chất có trong trà khi “gặp” những hoạt chất trong thuốc sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu.
  • Không uống trà vào lúc đói: Khi uống trà vào lúc đói sẽ tạo cảm giác cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt...
  • Không uống trà vào buổi tối trước khi đi ngủ: Trong một ly trà cũng có chứa hàm lượng cafein khá cao, khi uống vào sẽ gây kích thích thần kinh, làm cho thần kinh hưng phấn, từ đó dẫn đến tình trạng khó ngủ.
  • Uống trà ở nhiệt độ vừa phải: Khi uống trà nên uống từ từ từng ngụm để có thể cảm nhận được hết hương vị của trà. Bên cạnh đó không nên uống trà quá nóng vì sẽ gây tổn thương vách trong của dạ dày, dẫn đến tình trạng đau loét dạ dày.

Xem thêm: Điểm danh các loại cà phê phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam

IV. Khám phá nghệ thuật thưởng trà tại một số nước

1. Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản

Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản

Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản

Trà đạo được xem như một điển hình văn hóa cổ xưa của Nhật Bản và được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ XII. Từ uống trà đến trà đạo là cả một quá trình không ngừng nghỉ của người Nhật nhằm biến tục uống trà du nhập từ nước ngoài trở thành một nghệ thuật sống của dân tộc mình.

Có bốn nguyên tắc cơ bản trong trà đạo Nhật Bản là Hòa – kính – Thanh – Tịch. Trong đó “Hòa” có nghĩa là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, sự hòa hợp giữa người thưởng thức với các dụng cụ pha trà. “Kính” là lòng kính trọng đối với người khác. “Thanh” là sự yên tĩnh, thể hiện sự thanh tịnh trong khi thưởng thức trà và “Tịch” có nghĩa là sự vắng lặng, tĩnh lặng mang đến cho con người giảm giác bình yên.

2. Nghệ thuật thưởng trà tại Trung Hoa

Trung Quốc được xem là cái nôi của trà đạo, bởi đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng trà như một đồ uống hàng ngày. Đối với người Trung, uống trà từ lâu đã trở thành nét văn hóa. Để có thể có được một ấm trà ngon, không đơn giản chỉ là mua một nguyên liệu tốt mà còn là thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật pha trà, uống trà, sự kết hợp hài hòa giữa trà và Đạo. Không giống như nghệ thuật thưởng trà của người Nhật Bản, người Trung Quốc không giữ những quy tắc chuẩn mực và khắt khe như vậy tuy nhiên đối với họ nghệ thuật và sự tinh tế trong pha trà, đẹp mắt vẫn là điều không thể thiếu.

3. Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

Người Việt có cách thưởng thức trà rất riêng, rất độc đáo. Các bậc tiền nhân xưa cho rằng uống trà là cả một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phải phi công thức. Chính vì lẽ đó mà đã từ rất lâu, các bậc tiền nhân khi uống trà thường đưa tách trà qua mũi để có thể tận hưởng được hết hương vị trà, sau mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp một ngụm nhỏ thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái để cảm nhận vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi. Trong nghệ thuật uống trà của người Việt có 3 cách thưởng trà là độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), và quần ẩm (nhiều người).

Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

V. Pha trà như thế nào cho đúng?

Theo những nghệ nhân sành trà, để pha được một tách trà ngon thì cần phải chú ý một số yếu tố sau:

  • Ấm và chén trà: Hiện nay có rất nhiều loại ấm pha trà khác nhau tuy nhiên việc sử dụng ấm sành hoặc ấm sứ vẫn là sự lựa chọn tốt nhất bởi vì thời gian giữ được lâu. Bên cạnh đó nhiều người cầu kỳ, tỉ mỉ hơn thì họ còn có những quy định về màu sắc cho ấm pha trà. Ví dụ như muốn thưởng thức trà thật ngon thì màu ấm phải là màu trầm như màu gan trâu, gan gà, chu sa… Hình dáng ấm pha trà có những kiểu phổ biến là là: trái lê, trái cau, trái hồng, trái nhót…
  • Nước dùng để pha trà: Nước pha trà là yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng làm nên sự tinh túy của một tách trà ngon. Theo đó thì để pha trà ngon thì tốt nhất nên dùng nước mưa. Nước mưa hứng ngay giữa trời là sạch nhất và ngon nhất. Hoặc cũng có thể dùng nước giếng nhưng phải là giếng đá ong càng tốt. Ngoài ra thì ngày xưa những nhà giàu có thường cho người đi thu gom những hạt sương đọng lại trên tàu lá sen bởi đó được coi là thứ nước đặc biệt, tinh khiết, tạo ra được một tách trà với hương vị vô cùng đặc trưng.
  • Pha trà: Trước khi pha trà phải rót ít nước sôi để tráng ấm, đổ đi rồi mới cho trà vào. Trong quá trình pha trà thì nên dùng thìa tre hoặc thìa gỗ không nên dùng thìa kim loại. Lần đầu rót một ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi, sau đó rót thêm nước sôi ngập lớp trà và để vài phút cho ngấm. Đến lần thứ ba mới rót đầy ấm trà. Sau khoảng thời gian 2 - 3 phút thì có thể bắt đầu thưởng thức trà. Một lưu ý quan trọng khác trong quá trình pha trà cần phải chú ý là nhiệt độ được pha trà. Tùy vào từng loại trà khác nhau mà sẽ có những quy định về nhiệt độ thích hợp. Ví dụ khi pha trà mộc thì nước sủi tăm là được (khoảng 80°C), nước pha trà hương chỉ cần sôi lăn tăn. Còn đối với các loại trà sợi rời như Trà móc câu, Trà mạn… thì cần phải dùng nước thật sôi…
  • Rót trà: Khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít một và rót từ từ. Khi rót xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai để giúp không có chén nào nước bị loãng quá hoặc đặc quá. Rót sao cho tất cả lượng trà trong từng chén đều ngang nhau. Khi rót trà, từng thao tác phải được thực hiện một cách thuần thục, uyển chuyển và duyên dáng.

Pha trà như thế nào cho đúng?

Pha trà như thế nào cho đúng?

VI. Một số lưu ý khi thưởng trà

  • Thưởng trà đúng cách là phải cần dùng đến 5 giác quan trong đó mắt dùng để cảm nhận màu sắc, dùng mũi để ngửi hương vị, dùng tai để nghe, dùng lưỡi để nếm, cảm nhận và dùng tay để cầm. Đặc biệt là phải dùng tâm để pha trà, dùng cái tâm để cảm nhận được sự trọn vẹn trong từng câu chuyện, ý nghĩa mà trà mang đến.
  • Nghệ thuật thưởng trà đúng cách là phải được đặt trong không gian thanh tịnh. Vì có như thế thì tác dụng nuôi dưỡng tinh thần, giúp cho tinh thần thoải mái của trà mới được đẩy cao đến đỉnh điểm. 
  • Uống trà cũng rất cần sự tiết độ, nên uống một lượng vừa phải và không nên uống quá đặc, quá nhanh hay uống liên tục suốt ngày.
  • Sử dụng một chén trà phù hợp cũng có thể giúp cho việc thưởng trà trở nên thi vị hơn. Chén trà cần chú trọng màu sắc hòa nhã, hình dạng tối giản và không quá màu mè họa tiết rối mắt. Có thể dùng những loại chén có giá trị về mặt văn hóa lịch sử hay những loại chén được làm bằng sứ, bằng sành để tăng thêm tính dân tộc khi thưởng trà.

VII. Kết luận

Có thể thấy có rất nhiều công dụng của trà khác nhau, uống trà không chỉ để cảm nhận được hương vị đặc biệt, tìm đến nét văn hóa đã có từ rất lâu mà còn giúp cho người thưởng thức giữ tâm thanh tịnh, thoải mái, tránh điều ác. Chính vì lẽ đó mà đã từ rất lâu trà trở thành một thú vui tao nhã của người Việt nói riêng, người Á Đông nói chung và trở thành một thức uống quen thuộc mỗi khi có khách quý đến nhà.