​Mông lung hay cảm giác thiếu định hướng là trạng thái sinh ra khi chúng ta vẫn còn mơ hồ về những gì mình đang làm và cần làm tiếp theo. Cái bóng mơ hồ ấy bao trùm lên tâm trí và kìm bước chân, ngăn bạn tiến bước trên con đường sự nghiệp.

Trạng thái mông lung không nên được duy trì trong thời gian dài, bởi những tiêu cực mà nó gây ra trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Trong bài viết sau đây, 123job.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn mông lung là gì, nguyên nhân, cách đối mặt với sự mông lung trong sự nghiệp?

1. Mông lung là gì?

Mông lung là một trạng thái tinh thần thể hiện sự không rõ ràng, mơ hồ, không xác định và thiếu sự chắc chắn ở một người. Khái niệm này thường được dùng để mô tả cảm giác bối rối, mất phương hướng hoặc chưa có câu trả lời rõ ràng cho một tình huống cụ thể nào đó. 

Bạn có thể mông lung về câu trả lời của mình (không biết nó thừa thiếu chỗ nào, đúng sai ra sao), mông lung về cảm xúc của bản thân (không biết mình đang vui buồn, giận hờn ra sao)... Hay rõ ràng hơn là mông lung trong sự nghiệp (khủng hoảng trong việc định danh bản thân, giá trị của chính mình, hướng đi trong tương lai). 

Tóm lại, “mông lung” ở đây diễn tả sự không chắc chắn, thiếu định hướng trong suy nghĩ và chất chứa nhiều băn khoăn trong cảm xúc. Với phạm vi bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về sự “mông lung”, mất định hướng trong sự nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng, và càng quan trọng hơn với những bạn sinh viên sắp cận kề giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp.

mông lung là gì

Mông lung là gì?

2. Mông lung tiêu cực như thế nào?

Ngay trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, mông lung khiến bạn tới do dự và tiếp đó là bỏ lỡ những cơ hội quan trọng. Thời gian ngắn đã vậy, nếu kéo dài hơn, sự mông lung ấy còn tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa: 

  • Mông lung cản trở quá trình phát triển sự nghiệp: Sự thiếu định hướng hoặc mông lung sẽ kìm bước chân bạn (chọn sai nghề, nhảy việc liên tục, mãi vẫn dậm chân tại chỗ) bởi bạn không biết mình là ai, mình cần làm gì. 
  • Lãng phí thời gian mà không hành động: Mông lung khiến bạn mãi cuốn theo những suy nghĩ vòng vo, không đích đến, khiến bạn lãng phí nhiều cơ hội trong công việc, đồng thời lãng phí cả thời gian phát triển bản thân
  • Tự gây áp lực lên bản thân: Chìm đắm trong cảm xúc mông lung có thể khiến bạn rơi vào trạng thái lo lắng, tự ti, sợ hãi tương lai, nghiêm trọng hơn là khủng hoảng tâm lý. 
  • Mông lung khiến bạn tự thu mình và đánh mất những mối quan hệ quan trọng: Nó cũng là kết quả tất yếu của sự tự ti khi bản thân cứ mãi dậm chân tại chỗ và né tránh trở thành phản ứng quen thuộc.

3. Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang mông lung?

Dù là lính mới hay đã là người đã quen thuộc với thị trường lao động, ai cũng có thể rơi vào trạng thái mông lung, mất phương hướng về con đường phía trước của bản thân. Nếu nhận thấy bản thân gặp những dấu hiệu sau đây, rất có thể bạn cũng đang mông lung: 

  • Dấu hiệu rõ nhất của mông lung là không biết bản thân mình là ai, mình muốn gì: Dù nhiều lần tự hỏi mình thích gì, mình mong muốn làm điều gì, bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời ưng ý. 
  • Dễ chán nản và thiếu động lực trong công việc và cuộc sống: Ngày hôm sau lặp lại cũng chẳng thấy khác ngày trước là bao, bạn vẫn luôn thấy uể oải mà không rõ lý do. 
  • Thường xuyên trì hoãn và thiếu quyết đoán: Mất thời gian suy nghĩ, tham khảo nhiều chỗ nhiều nơi nhưng vẫn chần chừ mà tuột mất cơ hội quý báu. 
  • Hay tiếc rẻ thời gian nhưng vẫn không làm được gì để tiến bộ: Luôn ngoảnh lại quá khứ và than tiếc vì bản thân đã bỏ lỡ cơ hội quý giá để học hỏi thêm nhưng bạn vẫn luôn vậy mà chẳng thay đổi. 
  • Người mông lung thường xuyên so sánh bản thân mình với người khác: Hay nhìn vào thành công của người khác và quay lại chất vấn bản thân, tiếp đó là cảm giác thua kém, tự ti ngày càng lớn dần. 
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm, cuộc sống của người khác: Thiếu chính kiến khiến bạn dễ bị dẫn dắt bởi người khác. Đôi khi bạn sẽ lấy cuộc sống - sự nghiệp của người khác làm khuôn mẫu để so sánh và làm theo. Nhưng nó có thực sự phù hợp hay không thì bạn mãi chưa thể hiểu rõ. 
  • Người mông lung thường đứng núi này trông núi nọ: Thấy mình không thực sự hợp một nghề nào, cũng có đôi khi lại nghĩ phải chăng mình theo nghề kia bởi tâm trí không thực sự hướng về một điểm. 
  • Hay lo lắng cùng bất an: Sự mơ hồ, mông lung về tương lai khiến bạn rơi vào cảm giác lo sợ thất bại. Để rồi bản thân mãi dậm chân tại chỗ mà không thể nào xoay chuyển tình thế. 

mông lung là gì

Dấu hiệu của mông lung là gì?

4. Tại sao chúng ta dễ mông lung 

Vào những giai đoạn chuyển mình của cuộc đời, mỗi chúng ta đều luôn cảm thấy mông lung, đôi khi là lạc lõng và chán trường. Nỗi "mông lung" này liệu xuất phát từ những nguyên nhân nào?

Khủng hoảng bản sắc khi bạn tự hỏi mình là ai

Khủng hoảng bản sắc xảy ra khi có sự rối ren và mâu thuẫn giữa cách bản thân nghĩ về mình, cách người khác nhìn vào bạn và tiềm năng có sẵn. Vấn đề này xuất hiện ở những giai đoạn là bước ngoặt trong cuộc đời, khi môi trường sống, các mối quan hệ và thế giới quan quanh bạn buộc phải thay đổi. 

Bốn năm trước, bạn có thể bỏ ngoài tai lời khuyên của cha mẹ để chọn marketing. Nhưng cũng sau bốn năm kể từ ngày đó, bạn mơ hồ nghĩ rằng mình và marketing không thuộc về nhau và rằng mình nên nghe theo định hướng của ba mẹ

Bước ngoặt xảy ra, khi bạn từ học viên ngồi trên ghế nhà trường với bài vở chỉ quen thuộc với những lý thuyết, sau tốt nghiệp trở thành một ứng viên trên thị trường lao động. Môi trường công sở ập đến với những người đồng nghiệp có quan điểm, chuyên môn cao thấp khác nhau, những người quản lý khó tính và hơn hết là khối lượng công việc ngập đầu. 

Sự thay đổi bất chợt đến khi bản thân chưa trang bị đủ và chưa sẵn sàng để thích ứng sẽ làm nảy sinh những hoài nghi. Bạn mất kết nối với chính bản thân khi không biết rõ mình là ai, không hiểu rõ giá trị của bản thân, mình muốn làm gì, muốn trở thành ai sau này.

Khủng hoảng hiện sinh 

Khủng hoảng bản sắc thường tới khi con người đứng trước những ngã rẽ lớn của cuộc đời làm thay đổi cách nghĩ về bản thân. Ở phía ngược lại, khủng hoảng hiện sinh thường xảy tới khi con người ta bước qua những cú sốc làm đảo lộn niềm tin về giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. 

Khác với khủng hoảng bản sắc là sự mất kết nối với chính mình, có thể coi khủng hoảng hiện sinh là quá trình bản thân mất kết nối với thế giới hoặc bản thân tự chối bỏ đi giá trị cuộc sống. Một dấu hiệu cụ thể hơn, đó là khi bạn không còn tin thứ bạn vốn tin, không còn làm hay muốn làm thứ trước đó bản thân vẫn luôn làm và không còn cần những thứ bản thân từng tha thiết. 

Thiếu mục tiêu, kế hoạch cho sự nghiệp

Thiếu mục tiêu dài hạn hay đặt mục tiêu xa vời thực tế là nguyên nhân khác khiến bạn dễ rơi vào trạng thái mông lung và mất phương hướng. Bởi mục tiêu dài hạn giúp: 

  • Xác định đích đến và từ đó giúp bạn tập trung tâm trí, sức lực để tiến lên trên con đường đó. Do đó, mục tiêu và kế hoạch hành động còn là động lực giúp bạn phấn đấu hơn nữa;
  • Dễ dàng đánh giá tiến độ và thành tựu mình đạt được trên hành trình chinh phục mục tiêu cá nhân. Mỗi cột mốc thành tựu sẽ càng tiếp thêm động lực để bản thân phát triển. 
  • Đặt ra mục tiêu và khung kế hoạch hành động tựa như xây dựng con đường và đường bao định hướng cho quá trình phát triển bản thân. Điều này giúp bạn tránh bị ảnh hưởng và dao động bởi những yếu tố khác.

5. Cách để bản thân bớt mông lung 

5.1. Hiểu rõ bản thân là ai, mong muốn của mình là gì

  • Sớm xác định mong muốn của bản thân bằng cách hiểu rõ mình là ai, yêu thích điều gì? Hãy chú ý nhiều hơn tới điều làm mình hứng thú và hăng say cũng như những điều khiến mình tự tin nhất. 
  • Một cách khác để hiểu rõ bản thân là tăng cường những trải nghiệm. Hãy chủ động tham gia các khóa học, dự án hoặc công việc thực tế để thử sức và đánh giá sự phù hợp. 
  • Viết nhật ký để ghi lại cảm xúc, suy nghĩ về mỗi trải nghiệm đã qua. Nhật ký đánh dấu sự phát triển của con người, nó giúp bạn nhìn nhận bản thân mạnh yếu ở đâu và có hướng điều chỉnh phù hợp. 
  • Tham khảo ý kiến của người thân cũng vô cùng quan trọng. Thầy cô, bố mẹ đều là những người có nhiều trải nghiệm hơn. Họ cũng có những góc nhìn khách quan hơn khi đánh giá về bạn. 
  • Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bài trắc nghiệm tính cách MBTI, Holland, công cụ DISC để hiểu rõ thế mạnh của bản thân và xác định xu hướng nghề nghiệp phù hợp. 

5.2. Hiểu và trân trọng giá trị của bản thân và cuộc sống

  • Hiểu rằng mỗi nghề nghiệp đều đóng một vai trò riêng và công việc bạn theo đuổi cũng vậy là điều cần thiết để bạn tránh khỏi cảm giác mông lung.
  • Tập trung vào quá trình phát triển, rằng mình đã học được những gì, mình tiến bộ như thế nào thay vì chăm chăm tới kết quả cuối cùng. 
  • Mỗi người có một hành trình khác nhau, bởi vậy điều bạn cần làm là tập trung vào giá trị của bản thân và tiến bộ từng ngày. 
  • Thực hành lòng biết ơn mỗi ngày, thay đổi lăng kính của bản thân để nhận thấy mọi điều đều có những ý nghĩa riêng. 
  • Tích cực tham gia những hoạt động xã hội để thấy dù chỉ là những đóng góp nhỏ nhoi nhưng những việc bạn làm luôn được trân trọng. 

5.3. Lập kế hoạch dài hạn và kiên trì theo đuổi mục tiêu

  • Vòng tròn Ikigai sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi thích hợp sau khi trả lời bốn vấn đề: 1) Điều bạn thích, (2) Điều thế giới cần, (3) Điều bạn được trả tiền, (4) Điều bạn giỏi. Điểm giao giữa chúng là nghề nghiệp phù hợp với bạn.
  • Mục tiêu dài hạn là sợi dây lý trí giữ lấy tinh thần rệu rã của bạn, đó cũng là cách để bản thân không chìm trong cảm giác mông lung và mất phương hướng. 
  • Sử dụng phương pháp SMART để lập mục tiêu nghề nghiệp cho riêng mình. Ví dụ như: Sau tốt nghiệp, mình cần hoàn thành những chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ để tăng cơ hội thăng tiến. 
  • Mục tiêu mà không đi kèm kế hoạch hành động thì sẽ chẳng thành hiện thực. Điều quan trọng hơn sau khi thiết lập mục tiêu là xác định mình cần làm gì tiếp theo?
  • Kế hoạch nên được chia nhỏ thành từng giai đoạn tương ứng với những cột mốc khác nhau trên chặng hành trình. Đồng thời, bạn cần xác định phương pháp cần có để hoàn thiện mục tiêu.
  • Theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch thường xuyên và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. 
  • Giữ vững ý chí kỷ luật và kiên định trên hành trình bạn đã vạch ra. Hãy chuẩn bị tinh thần cho khó khăn và cả thất bại. Không ngừng nhắc nhở bản thân về lý do bắt đầu để không bỏ cuộc giữa chừng. 

mông lung là gì

Thiết lập mục tiêu và kế hoạch hành động rõ ràng là cách giúp bạn vượt qua cảm giác mông lung

Kết luận

Ai cũng phải đối diện cảm giác mông lung ít nhất một lần trong đời. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta đối diện và vượt qua sự mông lung, mơ hồ. Hiểu rõ bản thân, giá trị cuộc sống và xây đắp mục tiêu bền vững là cách xây dựng hành lang lý trí giúp bạn tiến bước không ngừng trên sự nghiệp của mình.