Đã từ lâu, luật sư được xem là một nghề cao quý, luôn được xã hội tôn trọng và đề cao. Trong bài viết này 123job sẽ giới thiệu đến bạn đọc khái niệm luật sư là gì? Và bật mí cho bạn đọc những kinh nghiệm giúp nhân sự ngành Luật đạt nhiều thành công.

Pháp luật ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt trong đời sống, từ việc mua bán tài sản đến giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, tranh chấp. Am hiểu và vận dụng pháp luật vào đời sống là một công việc không hề đơn giản với tất cả mọi người bởi luật pháp là một lĩnh vực chuyên ngành không ai đều có thể tiếp cận được. Luật sư chính là người hỗ trợ, mang đến các giải pháp pháp lý giúp cho những người không có thời gian và điều kiện tự mình nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Cùng tiếp tục theo dõi bài viết để được bật mí các kinh nghiệm giúp nhân lực ngành Luật thành công trong cuộc sống nhé! 

I. Luật sư là gì? 

Trước tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu khái niệm luật sư là gì? Luật sư là người đã được cấp phép hành nghề luật và có nghĩa vụ áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nghĩa vụ chính của Luật sư thường gắn liền với lĩnh vực hoạt động của họ như: Tư vấn và đưa ra những lời khuyên về pháp luật; nghiên cứu và thu thập các bằng chứng, chứng cứ để  soạn thảo những tài liệu liên quan đến các vụ việc, tranh chấp; tư vấn và soạn thảo hợp đồng cho khách hàng đồng thời họ cũng có nghĩa vụ tư vấn trong các giao dịch mua bán; thực hiện công việc bào chữa và và đại diện tham gia tranh tụng trước tòa cho khách hàng.

Dựa vào đặc thù công việc thì luật sư được phân ra thành hai dạng chính là luật sư tư vấnluật sư tranh tụng. Luật sư tư vấn sẽ thực hiện tư vấn các vấn đề pháp lý cho khách hàng còn luật sư tranh tụng sẽ là người đại diện cho khách hàng, tham gia vào phiên tòa để tranh luận, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ.

Luật sư là gì? Luật sư là gì?

II. Con đường để trở thành Luật sư 

Theo số liệu mới nhất gần đây thì hiện Việt Nam có khoảng 11.000 luật sư, đây là những người góp phần tích cực vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Căn cứ Luật Luật sư 2006 và Luật Luật sư sửa đổi 2012, con đường để trở thành luật sư Việt Nam thường được tóm tắt như sau:

1. Học 4 năm Đại học luật

Theo Luật Luật sư 2006 thì để trở thành luật sư trước hết bạn phải là người đã có bằng cử nhân luật. Để có bằng cử nhân luật, người đó phải hoàn thành tốt 4 năm học tại các trường đại học chuyên về ngành luật hoặc các khoa luật của các trường đại học khác trên cả nước.

2. Học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư

Theo Điều 12 Luật Luật sư sửa đổi năm 2012, sau khi đã có tấm bằng cử nhân luật, nếu bạn muốn trở thành luật sư thì bắt buộc phải đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề luật sư với thời gian là 12 tháng. Người hoàn thành những chương trình đào tạo ngành luật sẽ được cơ sở đào tạo cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp nghề luật sư.

Hiện tại, Học viện Tư pháp đang là cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư, cũng như các nghiệp vụ tư pháp khác như: kiểm sát, xét xử, thi hành án dân sự. Tính đến tháng 4/2018, mức học phí đào tạo nghiệp vụ luật sư tại Học viện Tư pháp là 15.330.000 đồng.

3. Tập sự tại các văn phòng, công ty luật

Sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ luật sư và đã được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp, người có nhu cầu trở thành luật sư chuyên nghiệp phải tiếp tục đăng ký tham gia tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư như các công ty, văn phòng luật. 

Trong trường hợp không thỏa thuận được với các công ty, văn phòng luật về việc nhận tập sự thì bạn hoàn toàn có thể đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư giới thiệu nơi tập sự. Thời gian tập sự tại các công ty, văn phòng luật sẽ là 12 tháng. Người hướng dẫn bắt buộc phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm luật sư và chỉ được hướng dẫn cùng lúc 3 người.

Riêng đối với người đã là kiểm sát viên, thẩm phán, tiến sĩ ngành luật, giảng viên ngành luật sẽ được miễn tập sự.

4. Kiểm tra kết thúc tập sự

Liên đoàn luật sư Việt Nam là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Đối với những người đã đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề.

Thông thường, kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề luật sư sẽ gồm 2 phần bao gồm: Thi viết và thi thực hành. Nội dung thi sẽ bao gồm các kỹ năng tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, các kiến thức về pháp luật luật sư và hành nghề luật sư đồng thời là những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam…

5. Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Đối với những người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Khi đã có chứng chỉ hành nghề, luật sư phải đóng phí gia nhập Đoàn luật sư. Hiện nay, mỗi Đoàn luật sư sẽ có những mức phí khác nhau, cụ thể hiện nay thì phí gia nhập Đoàn luật sư Hà Nội là 10 triệu đồng…

Con đường để trở thành Luật sư bao gồm 5 quá trìnhCon đường để trở thành Luật sư bao gồm 5 quá trình

III. Những tố chất cần thiết của người Luật sư

Một Luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng lâu dài trong xã hội thì phải có cái “TÂM” trong sáng. Chữ “Tâm” ở đây được hiểu là Luật sư phải là người thực sự tâm huyết, đam mê và hiểu về ngành nghề mà mình đang theo. Họ theo nghề bằng con đường chân chính, bằng việc vận dụng đúng pháp luật. Điều đó được thể hiện qua một số hành động như: Luật sư phải tư vấn đúng luật cho khách hàng của mình những việc họ cần làm, không giúp khách hàng áp dụng sai pháp luật cũng như không lợi dụng khách hàng… 

Luật sư Lê Quốc Hiền – chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa đã từng có một nhận định rất hay về chữ Tâm trong nghề Luật sư: “Hành nghề Luật sư là chở đạo”. Như vậy, có thể nói một trong những yếu tố quan trọng đứng sau sự thành công của những Luật sư đang hoạt động hiện nay là sự đam mê với nghề, sự chân chính trong cách làm việc.

Luật sư phải là người nắm vững những quy định của pháp luật. Hoạt động chính của Luật sư là tư vấn pháp luật, áp dụng pháp luật trong những trường hợp khác nhau trong cuộc sống. Chính vì vậy, Luật sư phải nắm bắt chính xác và đầy đủ các quy định của pháp luật đồng thời biết vận dụng những quy định ấy một cách linh hoạt. Một Luật sư giỏi là người biết vận dụng linh hoạt và hiệu quả những quy định của pháp luật.

Luật sư phải được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết. Kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng đối với Luật sư bởi họ là người phải giao tiếp với rất nhiều người. Một số kỹ năng mềm quan trọng đối với một luật sư giỏi có thể kể đến như: Khả năng hùng biện, tổng hợp và phân tích vấn về, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục

Một luật sư giỏi cũng cần phải trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ. Có một thực trạng hiện nay ở Việt Nam là số lượng Luật sư có khả năng ngoại ngữ tốt còn chiếm con số nhỏ. Trong khi đó, đất nước ngày càng phát triển, đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập với thế giới. Khách hàng không chỉ có nhu cầu cho những vụ việc xung quanh nước mà còn là những vấn đề mang tính quốc tế. Chính vì vậy, nếu trang bị cho bản thân trình độ ngoại ngữ tốt thì chắc chắn rằng Luật sư sẽ có lợi thế hơn, đồng thời cũng có nhiều việc làm ngành luật mở ra với những mức lương cao hơn.

Những tố chất cần thiết của người Luật sưNhững tố chất cần thiết của người Luật sư

IV. 5 cách nhìn nhận một Luật sư giỏi

Hiện nay, để đánh giá một luật sư giỏi thì mọi người thường lên internet đọc quảng cáo về lý lịch luật sư, gọi điện tới văn phòng luật sư hỏi về luật sư đó, hay nhờ người thân tìm giúp một luật sư người quen thì có thể là chưa đủ. Dưới đây là 5 điểm căn bản cần lưu ý để nhận xét rằng người luật sư này có tốt và phù hợp với vụ việc của mình hay không mà 123job muốn gửi đến bạn đọc:

1. Luật sư giỏi là người không bao giờ hứa trước kết quả của vụ việc

Dù bạn có xuất sắc đến đâu thì cũng không thể đảm bảo được kết quả của một vụ kiện hay kết quả của một cuộc đàm phán, thỏa thuận. Bởi kết quả của vụ việc còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chủ chốt như: Bên đối lập, viện kiểm sát, thẩm phán, cơ quan công an, các cơ quan thanh tra, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuyên ngành khác và cả những người có liên quan trong cùng vụ việc mà đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của Luật sư. 

Hay nói một cách khái quát, luật sư giỏi là người đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn và giúp bạn có được kết quả thuận lợi nhất trong mọi hoàn cảnh và điều kiện vụ việc của bạn.

2. Có kinh nghiệm liên quan đến các vấn đề bạn cần giải quyết

Tìm được một luật sư mà bạn có thể tin tưởng là một điều rất quan trọng và khó khăn, đòi hỏi người đó phải có nhiều kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực trong vấn đề của bạn. 

Ví dụ, một luật sư chuyên về lĩnh vực hôn nhân gia đình sẽ thích hợp để chuẩn bị các giấy tờ về ly hôn, thừa kế,  phân chia tài sản. Một luật chuyên về lĩnh vực thương mại, doanh nghiệp thì sẽ đóng vai trò trọng yếu trong các giao dịch mua bán, sáp nhập. Và đối với luật sư bào chữa, tranh trụng sẽ là lựa chọn hay cho bạn trong các vụ án hình sự. 

Có một thực tế hiện nay là vì nhu cầu hành nghề, các luật sư đôi lúc có thể đảm nhận những vụ việc không thuộc lĩnh vực sở trường của mình. Mặc dù luật sư giỏi là người đã được được trang bị những kiến thức pháp luật rất cụ thể nhưng có thể vì kinh nghiệm chưa nhiều trong lĩnh vực cần giải quyết thì vẫn có thể dẫn tới những thiếu sót.

3. Gặp gỡ trực tiếp để có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn về luật sư

Trong nhiều trường hợp thì việc chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ có liên quan kèm theo đó là các câu hỏi để thảo luận đến gặp trực tiếp với luật sư phụ trách là một việc nên làm. Khách hàng nên hỏi luật sư một số câu hỏi cơ bản liên quan tới các vấn đề cần giải quyết như: Trường hợp này được quy định trong bộ luật nào, khoản mấy, điều mấy? Thuộc chuyên ngành luật gì? Những vấn đề pháp lý căn bản ở đây là gì? phương hướng giải quyết vấn đề và sẽ đem lại kết quả ra sao? 

Qua đó cách thảo luận trực tiếp đó, bạn sẽ thấy được năng lực, kinh nghiệm cũng như sự chuyên nghiệp của luật sư để từ đó chọn được luật sư phù hợp. Một luật sư giỏi phải là người tạo được sự tin tưởng cho khách hàng để cung cấp được dịch vụ luật hiệu quả nhất.

4. Luật sư giỏi là người kỹ lưỡng, trả lời tận tình các vấn đề của bạn

Ngành luật thường đề cao những luật sư làm việc ở những văn phòng luật sư lớn, có nhiều năm kinh nghiệm. Nhưng cũng không vì thế mà đánh giá thấp các văn phòng luật sư có quy mô vừa và nhỏ, các luật sư trẻ. Khi tới một văn phòng luật sư, bạn phải xác định đúng đắn, chính xác người luật sư sẽ trực tiếp cung cấp dịch vụ luật cho bạn. Trong quá trình cung cấp dịch vụ, một luật sư giỏi sẽ là người thường xuyên trả lời tận tình các vấn đề của bạn, thông báo tình hình, kết quả giải quyết và gửi các giấy tờ bản sao liên quan tới khách hàng của mình.

Luật sư giỏi là người kỹ lưỡng, trả lời tận tình các vấn đề của bạnLuật sư giỏi là người kỹ lưỡng, trả lời tận tình các vấn đề của bạn

5. Luật sư giỏi là người luôn khách quan và thành thật đối với tất cả các vấn đề của bạn

Hiện nay đa số luật sư đều có thái độ niềm nở và tích cực với mọi viễn cảnh của khách hàng. Điều này xuất phát từ việc có không ít khách hàng rất quả quyết và chắc chắn về vụ kiện cùng khả năng thắng kiện của mình. Một luật sư giỏi đến từ một văn phòng luật sư uy tín sẽ thẳng thắn cho bạn những nhận xét khách quan về vụ việc, giải thích các vấn đề pháp lý cho bạn theo cách dễ hiểu nhất có thể cùng đưa ra các phương pháp khả thi.

V. Kết luận

Trên đây là toàn bộ thông tin về luật sư là gì? Và con đường để trở thành một luật sư chuyên nghiệp mà 123job muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng những thông tin ở bài viết trên thực sự hữu ích cho bạn, nhất là những ai đã và đang theo con đường luật sư. Chúc bạn thành công với nghề luật sư mà bản thân đã chọn lựa!